Ấn tượng từ Bảo tàng Tình báo Trung ương Mỹ (CIA)

Chiếc xe đạp đặc biệt dành riêng cho điệp viên, máy bay gián điệp U-2 cùng bộ đồ bay tối ưu, tài liệu vũ khí… là những hiện vật lịch sử thu hút hàng triệu lượt khách tới thăm quan bảo tàng về tình báo ở Mỹ. Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) mới đây cho trùng tu lại và mở cửa phục vụ hàng triệu lượt khách tham quan. Tổng hành dinh CIA đặt tại Langley, bang Virginia, có diện tích hơn 10 hecta, nhà bảo tàng nằm phía sau, lẩn khuất dưới lùm cây trông âm u như mộ cổ Ai Cập.

Theo cựu điệp viên CIA Hank Schlesinger, nó là hiện hữu của các bộ óc bác học về nghệ thuật tình báo được thể hiện sinh động bằng những hiện vật tối ưu giúp một tình báo viên tác nghiệp có hiệu quả, tạo uy tín cho cá nhân và cho ngành tình báo quốc tế. Đứng nhìn ngắm chúng hàng giờ, bất cứ ai cũng phải học hỏi được một điều gì bổ ích.

Keith Melton, một nhà sưu tập tư về những hiện vật có liên quan đến chiến tranh, tình báo và là tác giả cuốn “Điệp viên cuối cùng” (The Ultimate Spy), đã từng được mời đến cho ý kiến về cách trưng bày những hiện vật trong bảo tàng. Một phần ba hiện vật thuộc về Thế chiến II – thời điểm Mỹ thành lập tổ chức đặc biệt “Nhân sự của Ban Chiến lược” (Office of Strategic Services – OSS) hoạt động tình báo bí mật chuyên về Thế chiến II trong cái vỏ bọc những chuyên gia ngoại giao. Cũng như Melton, một số nhân viên thuộc OSS đã được tư vấn về nội dung nhà bảo tàng. Ngay đến hàng cây rậm rạp trồng hai bên lối dẫn vào bảo tàng, cũng đã có rất nhiều ý kiến bàn ra tán vào.

bao-tang-cuc-tinh-bao-trung-uong-my

Hiện vật gây ấn tượng nhất tại khu trưng bày số 1 rộng nhất là chiếc xe đạp có gắn máy trông như chiếc xe mini của trẻ con, nhưng theo nhiều điệp viên, nó rất có ích. Máy gắn bên dưới khung xe, động cơ chạy bằng xăng hoặc dầu diesel. Xe được thiết kế theo mẫu một chiếc xe cổ của Anh, chỉ dùng trong các chiến dịch tình báo đặc biệt, không có yên sau, chiều dài 130 cm, chiều cao tính tại tay lái là 38 cm, nặng tổng cộng 32 kg, hai động cơ 98 phân khối, hai dây xích, chỉ dành cho một người. Xe được đặt tên là Welbike, tốc độ bình thường là 48 km/h, khi bị địch đuổi theo, có thể cho xe chạy với tốc độ tối đa 144 km/h, nếu chết máy, có thể đạp như xe đạp, lên đồi xuống dốc thoải mái. Theo OSS, chiếc xe là nỗi khiếp sợ của phát xít Đức vì tính hiệu quả của nó.

bao-tang-cuc-tinh-bao-trung-uong-my

Vật thứ hai được xem là niềm tự hào của ngành tình báo Mỹ là những chiếc máy bay “điệp viên U-2″ (U-2 Spy Flights) cùng với bộ đồ bay đặc biệt dành cho phi công. U-2 được phi công Francis Gary Powers lái đầu tiên vào ngày 1/5/1960 với nhiệm vụ tìm kiếm chiếc U-2 Spy bị mất tích, đồng thời thám thính những căn cứ quân sự của Liên Xô quanh vùng biển Barents của Na Uy. Đang bay ở độ cao 2.100 m, nó bị tên lửa Liên Xô bắn hạ, nhưng thật may mắn, Powers nhảy dù thoát chết. Sau đó, Mỹ cố vớt xác chiếc U-2 Spy đem về trưng bày tại Bảo tàng Langley, nằm bên cạnh một chiếc U-2 Spy mới.

Sự sắp xếp hiện vật bên trong bảo tàng rất có chủ đích, theo Melton, chúng gợi cho ta nhớ lại chuyện xưa để tìm ra quan niệm sống cho mình. Những tấm bản đồ vẽ nhiều vùng quân sự, trại giam, kho tàng của Đức Quốc xã được CIA tỉ mỉ khắc trên mặt những chiếc nút áo bằng đồng, nếu người sở hữu lỡ sa vào tay phát xít, chúng cũng chẳng biết đó là cái gì. Bộ cưa và dụng cụ cắt khóa, kẽm hay cửa sắt giúp một số điệp viên chẳng may bị địch bắt, có cơ hội để trốn thoát. Máy điện đài với micro cực nhỏ giúp điệp viên có thể giữ bí mật khi hoạt động trong vùng lính Đức chiếm đóng hay ngay trên lãnh thổ của chúng. Bộ hồ sơ ghi chi tiết những loại vũ khí tuyệt mật do OSS quản lý.

bao-tang-cuc-tinh-bao-trung-uong-my

Trong số các hiện vật còn có camera được chế tạo nhỏ gọn (ống kính chỉ dài 8mm, rộng 5mm) để điệp viên giấu kín tại một nơi nào đó sau khi đã đột nhập văn phòng hoặc vùng lãnh thổ của Đức Quốc xã. Dây thắt lưng chống từ trường giúp người mang nó khó bị lính Đức phát hiện. Những hòn đá đánh ra lửa giúp một số điệp viên CIA bị bắt, sau khi trốn tù lang thang trong rừng, có cái để mà xoay sở tìm cách tồn tại… Đặc biệt, trong những di vật được trưng bày tại Bảo tàng Langley có bộ điện đài của Virginia Hall, một nữ chiến sĩ Pháp, nhờ nó mà sau khi quân Đức chiếm đóng tạm thời một số tỉnh thành của Pháp, quân Đồng minh đã kịp đến giải cứu cho nhiều tù nhân sắp bị phát xít Đức xử bắn.

Điện đài do Hall tự chế khi gia nhập đội quân du kích Pháp, thay vì bỏ chạy như nhiều người khác, Hall đã ở lại quê nhà chiến đấu chống kẻ thù. Nhìn bề ngoài, nó giống như một cái vali, tuy cồng kềnh nhưng nó cực nhạy, liên lạc được cả những lúc trời giông bão. Tại Bảo tàng Langley, tấm thẻ chứng nhận Hall là nữ du kích được xếp kề bên bộ điện đàm như nhắc nhở mọi người nhớ đến sự hy sinh cao cả của Hall….Tuy thủ tục khó khăn nhưng hàng năm, nhiều du khách Mỹ và khắp nơi trên thế giới đều tìm cách vào Nhà bảo tàng Langley để tham quan. Năm nay, CIA cho mở cửa bảo tàng phục vụ du khách hiếu kỳ từ ngày 10/12/2012 nhân mùa Giáng sinh và Tết dương lịch 2013.

Nguồn: Internet

Liên hệ