Biểu tượng đồng Đô-la Mỹ ($) có từ đâu?

Không ai biết chắc chắn biểu tượng đồng đô-la Mỹ ($) có từ đâu, và đã có nhiều giả thuyết được đưa ra trong một thời gian dài. Lời lý giải được chấp nhận rộng rãi nhất, theo Cục Khắc và In ấn Hoa Kỳ, là biểu tượng này bắt nguồn từ đồng pê-sô Tây Ban Nha, vốn được dùng làm đơn vị đo lường giá trị cơ bản ở các thuộc địa Bắc Mỹ vào cuối những năm 1700.

Những tài liệu viết tay có từ thời đó cho thấy đồng pê-sô – tên đầy đủ là “peso de ocho reales” hay “đồng tám real” ở Bắc Mỹ – được viết tắt là PS. Người ta tin rằng dần dần chữ PS đã được viết quen tay với chữ S nằm trên chữ P, tạo thành hình gần giống biểu tượng $. Biểu tượng $ xuất hiện lần đầu trên văn bản từ sau năm 1800, và đã được sử dụng rộng rãi khi tờ tiền giấy đô-la Mỹ đầu tiên được ban hành năm 1875.

bieu-tuong-dong-do-la-my-co-tu-khi-nao

Biểu tượng đồng Đô la Mỹ

Mặc dù lý thuyết PS ngày nay đã được chấp nhận rộng rãi, song cũng đã có nhiều cách lý giải khác về việc biểu tượng nổi tiếng này đã ra đời như thế nào. Một trong những cách lý giải nổi tiếng nhất là của triết gia theo chủ nghĩa tự do và nhà văn Ayn Rand, người đã dành một chương trong cuốn tiểu thuyết của bà xuất bản năm 1957 “Atlas Shrugged” (tạm dịch: “Người khổng lồ nhún vai”) về biểu tượng đô-la, cho rằng đó không chỉ là biểu tượng của đồng tiền Hoa Kỳ, mà còn tượng trưng cho sự tự do kinh tế của nước này.

Theo Rand, biểu tượng đô-la (phải có hai nét gạch thẳng chứ không phải chỉ một) có từ tên viết tắt của Hợp chúng Quốc Hoa Kỳ (United States): Chữ U in hoa chồng lên chữ S in hoa, nhưng bỏ đi phần đáy của chữ U. Tuy nhiên, không có tài liệu nào chứng minh được cho giả thuyết này, và rõ ràng là biểu tượng đô-la đã được sử dụng từ trước khi Hợp chủng Quốc Hoa Kỳ được thành lập.

Vì sao đồng tiền đô la Mỹ lại có màu xanh lục?

Năm 1861, để chi trả cho cuộc Nội Chiến Mỹ, chính phủ liên bang bắt đầu phát hành tiền giấy lần đầu tiên kể từ khi Quốc hội Lục địa (thời 13 thuộc địa) in tiền để giúp chi trả cho cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ (những đồng tiền giấy đô-la đầu tiên, theo cách gọi của người dân thuộc địa, được in với số lượng lớn đến mức chúng sớm mất đi phần lớn giá trị). Trong những thập niên trước Nội Chiến, các ngân hàng tư nhân được nhà nước cấp phép đã được tự in tiền giấy, kết quả là đã có nhiều thiết kế và mệnh giá tiền khác nhau. Những tờ tiền mới được chính phủ Hoa Kỳ phát hành từ thập niên 1860 được gọi là tiền xanh lục vì mặt sau của chúng được in bằng mực xanh lục. Loại mực này là một biện pháp chống làm giả tiền thông qua ảnh chụp, vì máy ảnh thời đó chỉ chụp được ảnh đen trắng.

bieu-tuong-dong-do-la-my-co-tu-khi-nao

Đồng đô la Mỹ

Năm 1929, chính phủ đã giảm kích cỡ tiền giấy (nhằm tiết kiệm chi phí in) và quy định thiết kế tiêu chuẩn cho mỗi mệnh giá, giúp cho người dân có thể phân biệt tiền thật và giả dễ dàng hơn. Những tờ tiền mới kích thước nhỏ vẫn tiếp tục được in bằng mực xanh lục vì theo Cục In ấn và Khắc dấu Hoa Kỳ, loại mực này khi đó rất phổ biến và bền màu, và màu xanh lục còn là biểu tượng cho sự ổn định.

Hiện nay, có khoảng 1,2 nghìn tỷ đô-la tiền xu và tiền giấy đang lưu hành tại Mỹ. Chi phí để in mỗi tờ 1 đô-la là 5 xu và mỗi tờ 100 đô-la, mệnh giá cao nhất hiện đang lưu hành, là 13 xu. Ước tính tuổi thọ của một tờ 1 đô-la là gần sáu năm, còn một tờ 100 đô-la thường có tuổi thọ 15 năm. Tờ 50 đô-la có tuổi thọ trung bình ngắn nhất là 3,7 năm.

Dịch từ: history.com

Liên hệ