What the “Phượt”

Mình đã đọc rất nhiều sách hướng dẫn du lịch, sách du ký khắp thế giới nên dù tò mò muốn biết một người trẻ Việt sẽ viết gì về du lịch, nhất là về một thứ du lịch rất đặc trưng cho thời mở cửa là “phượt” nhưng cũng không kỳ vọng gì nhiều.

Không ngờ mở sách ra đọc là không ngừng được. Rosie đã cho thấy một vấn đề dù cũ đến đâu, trong mắt người đam mê bao giờ cũng tìm ra được điều gì đó mới mẻ. Và “Phượt” là điều mới với mình. Xin được đoạn này đề chia sẻ niềm đam mê lãng du cùng mọi người!

“No one realizes how beautiful it is to travel until he comes home and rests his head on his old, familiar pillow” – Lin Yutang

what-the-phuot

Phượt là gì?

Gần đây, từ “phượt” được nhiều người trẻ nhắc tới. Nhưng nó là gì và xuất phát từ đâu thì không phải ai cũng rõ ngọn ngành. Một trong những đặc điểm của ngôn ngữ là tính linh hoạt và chuyển động của nó. Theo thời gian, có nhiều từ ngữ dần mất đi và những từ mới hình thành. “Phượt” là một từ như thế.

Có khá nhiều cách giải thích khác nhau về nguồn gốc và ý nghĩa của “phượt”.

Theo một số thành viên của diễn đàn TTVN (ttvnol), từ “phượt” lần đầu tiên được dùng bởi thành viên gạo cội Cao Sơn của diễn đàn này, tên thật là Nguyễn Vũ Anh, một luật sư, một nhà văn (với bút danh Doãn Dũng). Nguyễn Vũ Anh không giải thích ý nghĩa của “phượt”, vì theo anh, như thế cũng giống như bắt con gà phải phân tích thành phần cấu tạo của quả trứng nó vừa đẻ.

Lại có ý kiến cho rằng “phượt” bắt nguồn từ chữ “lượt phà lượt phượt”. Cách diễn đạt này khá nên thơ: người đi bộ vào lúc trời mưa, đường trơn, khoác áo mưa thùng thình. Khi đi bước ngắn phát ra tiếng sột soạt của áo mưa, nghe cứ như phát ra tiếng kêu lượt phượt, lượt phượt. Một vài lần đi chơi, những lúc như thế người tinh tế sẽ cảm nhận được cái tiếng sột soạt đặc trưng kia, và cảnh người đi bộ qua khúc đường đồi núi với cái phong cảnh mênh mang của đất trời, núi rừng trong cái thời tiết đặc biệt khó quên, nên sau này họ ngẫu hứng dùng tiếng tượng thanh kia để nói về những cuộc đi chơi tung tẩy. Lâu dần, “lượt phượt” được rút gọn thành “phượt”, một danh/động từ chỉ sự đi lại, nhưng cũng chỉ thông dụng trong một nhóm nhỏ. Càng ngày nhóm đó càng phát triển và các thành viên cứ dùng cái từ này, vì lạ và độc đáo nên dễ nhớ.

Phượt thế nào?

Có nhiều cách hiểu khác nhau về phượt, nên cũng có nhiều cách phượt khác nhau. Một số người phượt để tìm trai tìm gái, để thỏa mãn thú vui nhục dục của mình, phượt để tìm tình phượt. Người khác phượt để tạm xa xã hội loài người, lánh khỏi văn minh đô thị, tìm vui trong thiên nhiên.

Có người phượt để thoát ly khỏi thực tại ngột ngạt, đi để thoát khỏi sự kiềm tỏa của gia đình, đi để tìm lối thoát. Cũng có người phượt để tìm lại chính mình, đi để tìm về nguồn cội, đi để trân quý gia đình và mái ấm.

Có người cuồng chân, phượt chỉ để đi, chẳng chuẩn bị gì. Một sáng mở mắt ra, xếp vài bộ quần áo, đón chuyến xe đò, thế là đi. Có người tìm hiểu thật kỹ, đọc bao nhiêu sách về văn hóa, con người, địa lý của vùng đất mình sắp tới, rồi mới bắt đầu hành trình.

Có người để ngọn gió lãng du đưa mình đi vô định, không lên kế hoạch gì cụ thể, “the plan is there is no plan” – kế hoạch là không có kế hoạch gì cả, lại có người vạch lịch trình chi tiết trước hàng năm trời, đến đâu, thăm chỗ nào, làm gì, ăn gì.

Có kẻ một người một ngựa độc hành khắp nơi. Người lại thích phượt cùng bè bạn, nhóm hội. Đôi ba người mượn phượt để ăn chơi thác loạn nơi xa xôi hoang dã, làm trò khỉ cưỡi lên đầu tượng đá, rượu bia nhậu nhẹt gây tai nạn trên đường. Cũng không ít người khác vừa đi vừa làm từ thiện, đem bánh kẹo quần áo tặng cho trẻ con nghèo miền núi, thắp hương mộ liệt sĩ trên nghĩa trang ven đường Trường Sơn.

Có người vừa phượt vừa xả, đi đến đâu rác tràn ra đến đấy. Có người xem phượt là một cách để bảo vệ thiên nhiên, đi cắm trại ở đảo đem theo bọc giấy nhặt rác tại bãi biển gom về đất liền, đi leo núi lấy rác ven đường dồn vào bao và bỏ vào nơi thu gom tại chân núi.

Có người phượt tốc hành, đi bằng hết những chỗ đẹp, đi như sợ thời gian trôi mất, cố thu lấy mọi cái hay, cái đẹp trong tầm mắt, để khỏi bỏ phí bất kỳ phút giây nào. Có người phượt nhẩn nha, vừa đi vừa nghỉ, đi chỗ này thấy thích dừng lại ở vài hôm, chỗ kia thấy thích ở chơi vài bữa, tìm cái đẹp “off the beaten track”, ngắm bông hoa vệ đường, nhìn mặt trời xuống núi.

Có đi mới biết cách nào là thích hợp cho mình. Sau một thời gian phượt, ta sẽ biết phượt thế nào là phù hợp nhất với bản thân, cách phượt nào là tốt nhất cho ta trong điều kiện hiện tại.

what-the-phuot

Phượt là sao?

Đối với tôi, phượt là cái cảm giác tự do hoang dã khi cưỡi trên lưng con ngựa sắt rong ruổi khắp nơi, đồng bằng sông Mê Kông, suốt miền nam Thái Lan, rồi đến đảo Bali, và những con đường đầy bụi ở miền trung Myanmar. Hít một hơi dài đầy gió trời tinh khiết, miệng hát vang bài hát ưa thích: “I will call you up. Every Saturday night. And we both stay out. To the morning light. And we sing. Here we go again”. ”Here we go again” – Và chúng ta lại lên đường.

Phượt với tôi là cái cảm giác đau nhói trong lồng ngực khi nhìn ảnh chiếc xe đạp dựng trên triền núi dốc ở Great Ocean Road của Úc, là cái cảm giác ngất ngây khi ngắm hình núi non trùng điệp tại Grand Canyon và Yosemit ở Mỹ, và không ngừng tự hỏi: “Chúa ơi, chừng nào con mới đến được đó, chừng nào con mới tận mắt chiêm ngưỡng nó?”

Phượt là cảm giác vui sướng muốn vỡ tim khi đắm mình vào phong cảnh tươi đẹp ở vịnh biển Tai Long Wan – Hồng Kông. Ngỡ ngàng nhận ra cuộc sống là một điều kỳ diệu, mà mỗi phút giây là một phép màu. Là tràn đầy lòng biết ơn vì có quá nhiều điều đẹp đẽ trên đời, vì mình được sống, được đi và được chứng kiến những điều tuyệt vời ấy.

Phượt là đi bộ gần mười cây số giữa đêm tối để đến một cái suối nước nóng hẻo lánh ở Coron – Philippines, bước chân trên đoạn đường gập ghềnh đá sỏi không một bóng người, dưới sao trời lấp lánh và những tán dừa xào xạc, trong đầu ngân câu ca như lời nguyện cầu: “Chân ta đi hôn mặt đất nồng ấm. Tim ta say yêu con gió lang thang. Và tóc ta khát mãi trời xanh tươi”.

Phượt là nằm lăn dài trên giường khi đạp xe liên tục suốt năm mươi cây số thăm Angko Wat của xứ sở chùa tháp. Tay chân thì mỏi rã rời, nhưng miệng thì cười rộng ngoác. Thấy hạnh phúc như muốn ôm ghì cả cuộc sống tươi đẹp vào lòng. Hạnh phúc tưởng như có chết ngay lúc đó cũng không thấy hối tiếc, mà lại muốn sống trăm năm để tôn thờ sự sống.

Phượt là đôi khi nảy sinh những mơ ước ngông cuồng, muốn đi khắp năm châu và thu hết vào tầm mắt những vẻ đẹp của cuộc đời, để rồi chia sẻ nó, bảo vệ nó và lưu giữ nó. Chỉ là ước muốn của một trong những linh hồn yêu tự do, liệu có gì là sai.

Phượt là biết rằng nguy hiểm mà vẫn làm. Hàng loạt vụ nổ súng giết người vẫn không cản được triệu người theo đuổi “giấc mơ Mỹ”. Cũng như bao nhiêu cái chết rải dọc sườn núi cũng không làm nhụt chí những người ôm mộng chinh phục đỉnh Everest. Phượt là lường trước những rủi ro trên đường đi, để chuẩn bị thật kỹ càng rồi sẵn sàng dấn bước.

Phượt cũng là vượt qua những rào cản với gia đình. Là cảm giác tức tối, vùng vằng như trẻ con khi nghe người thân rầy bảo: “Đi gì mà đi lắm thế, rồi sau này con sẽ phải hối tiếc khi phung phí thời gian và tiền bạc”. Đôi khi muốn gào lên rằng: “Cuộc đời của con hãy để con quyết định.” Để rồi khi bình tâm, lại mỉm cười ngẫm rằng gia đình chỉ làm những điều họ nghĩ là tốt nhất cho mình mà thôi, dù đó chưa hẳn là những gì mình muốn. Là biết rằng mình sẽ không hối hận, biết rằng tuổi trẻ của mình không phải là vô ích. Và chia sẻ nhiều hơn, và chăm sóc nhiều hơn, để gia đình luôn tin tưởng và yêu thương khi mình lên đường.

Phượt cũng là đối mặt với những định kiến. Đôi khi bắt gặp ánh mắt chê trách của vài người quen biết: “Không lo lấy chồng đẻ con đi, cứ mãi rong chơi vô trách nhiệm thế kia rồi đến cuối đời lại sống già trong cô độc”. Chỉ tự nhủ rằng quan điểm của con người thường dựa trên kinh nghiệm, hiểu biết và tính cách của họ. Những phán xét sẽ dạy thêm cho ta chữ nhẫn, và những định kiến ngày hôm nay sẽ nhắc ta nhớ để không làm tổn thương người khác như thế trong tương lai.

Phượt còn là những chiêm nghiệm cuộc sống rút ra từ những con đường. Hạnh phúc của người này có thể là an cư lạc nghiệp, hạnh phúc của người khác lại là được đi. Phượt để nhớ đến bài học cũ rằng ta nên tôn trọng những lựa chọn cuộc sống của người khác, rằng không bao giờ nên áp đặt quan điểm của mình đối với mọi người. Suy cho cùng thì tất cả chúng ta đều theo đuổi một mục đích chung, dù bằng những cách khác nhau. Và suy cho cùng thì chẳng ai quan tâm ta sẽ làm gì, chẳng ai chịu trách nhiệm đời ta thay cho chính ta. Vậy sao không làm điều mình yêu thích.

Phượt là sống.

Gọi nó là gì cũng được, phượt, du lịch bụi, hay đơn giản là đi. Tất cả đều chỉ khát vọng lên đường, mơ ước chinh phục những miền đất mới, được cảm nhận thấy mình đang sống, với tất cả sức lực và đam mê. “What the… Phượt”????

Cám ơn Rosie về một cuốn sách hay và chúc mọi người có được những phút giây phiêu bồng cùng tác giả!

Thái An

Nguồn: Tổng hợp

Liên hệ